Có rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của quá trình lành vết thương.
Các yếu tố này được chia làm hai loại: Yếu tố tại chỗ và Yếu tố toàn thân.
Yếu tố tại chỗ | Yếu tố toàn thân |
|
|
Yếu tố tại chỗ
Tình trạng vết thương
Tình trạng của vết thương cần phải được đánh giá đúng ngay từ ban đầu để có thể định hướng chăm sóc và điều trị phù hợp cho vết thương.
Vết thương là cấp tính (do chấn thương, do phẫu thuật,…) hay mãn tính ( vết loét do tỳ đè, bàn chân tiểu đường,…).
Vết thương chỉ là do rách da hay đã tổn thương đến mô liên kết dưới da, gân và cơ?
Mức độ tổn thương của vết thương: kích thước vết thương, mức độ nông –sâu của vết thương,…
Vết thương có đang bị sưng, nhiễm trùng, có nhiều mô giập nát hay không? Mép vết thương càng gọn thì càng dễ vệ sinh và chăm sóc, ngược lại mép vết thương càng nham nhở thì vết thương càng khó để làm sạch và dễ bị nhiễm trùng.
Tham khảo thêm cách đánh giá tình trạng vết thương ở từng giai đoạn tại: 7 loại vết thương thường gặp & Phương hướng điều trị thích hợp
Sự thiếu oxi tại mô vết thương
Sự có mặt của Oxy không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả điều trị tại từng giai đoạn của quá trình lành thương mà nó còn giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại khiến vết thương bị nhiễm trùng.
Khả năng chống nhiễm trùng liên quan đến hoạt động của bạch cầu trung tính được cho là sẽ bị suy giảm nghiêm trọng do thiếu oxy vết thương.
Oxy giúp tăng cường sự hình thành các mô hạt và tổng hợp collagen, sự tăng sinh tế bào, hình thành mạch và hình thành biểu mô.
Bên cạnh đó, oxy còn cần thiết cho việc sản xuất adenosine triphosphat (ATP) và các nguồn năng lượng sinh học khác thông qua các chu trình trao đổi chất khác nhau trong hô hấp tế bào.
Do đó, bất kỳ sự suy giảm nào đối với việc cung cấp oxy đều có thể làm chậm quá trình lành thương và tăng thêm khả năng xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Một số bệnh lí có thể gây cản trở cung cấp oxy đến các mô để chữa lành vết thương có thể kể đến là đái tháo đường, suy giản tĩnh mạch, thiếu máu,…
Môi trường vết thương
Dù là môi trường vết thương quá khô hay quá ẩm thì đó đều không phải là điều kiện thuận lợi cho sự lành thương.
Môi trường chúng ta cần duy trì để vết thương lành lại nhanh nhất là môi trường cân bằng ẩm.
Môi trường cân bằng ẩm giúp cho quá trình tái tạo da và lên da non diễn ra dễ dàng hơn, ít gây đau đớn hơn cho bệnh nhân.
Tham khảo thêm về vai trò của môi trường cân bằng ẩm đối với sự lành thương tại: 7 loại vết thương thường gặp & Phương hướng điều trị thích hợp
Tổn thương thứ cấp
Việc lựa chọn băng gạc không phù hợp hoặc không đạt chất lượng có thể gây ra các tổn thương thứ cấp, hoặc tình trạng vết thương ứ nước, làm chậm quá trình liền thương.
Do đó, người bệnh nên chọn các loại băng gạc tiên tiến không bám dính vào vết thương, vừa có tác dụng thấm hút dịch tốt, vừa giúp duy trì môi trường ẩm cho vết thương.
Ngày nay, nhiều loại băng gạc tiên tiến như băng foam, alginate, hydrocolloid, silicone được sản xuất ngày càng nhiều và đáp ứng được các yêu cầu về hỗ trợ chăm sóc vết thương tối ưu, bạn đọc có thể tham khảo.
Yếu tố toàn thân
Các bệnh lí nền
Quá trình chữa lành vết thương ở nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng của một số bệnh lí nền như: đái tháo đường, HIV / AIDS, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì, bệnh lí tim mạch, suy giảm tĩnh mạch, đột quỵ, viêm khớp…
Các bệnh lí nền này sẽ tác động làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, làm tăng nguy cơ vết thương bị nhiễm trùng và kéo dài thời gian lành thương hơn.
Bên cạnh đó, bất kỳ tình trạng bệnh lí nào làm giảm khả năng di chuyển của một cá nhân cũng có thể cản trở việc sửa chữa và có thể dẫn đến hỏng da. Ví dụ như đột quỵ, viêm khớp, hoặc chấn thương nặng dẫn đến hạn chế chức năng di chuyển ( bó bột, ngồi xe lăn,…).
Việc bệnh nhân không thể tự xoay trở trên giường bệnh cũng sẽ dẫn đến gây ra các vết tổn thương do tỳ đè ( xuất hiện ở những vùng xương nằm quá gần với da như xương vùng cùng cụt, xương mắt cá, gót chân,…).
Bệnh nhân không muốn di chuyển (tức là bị đau dữ dội hoặc bị trầm cảm) cũng có nguy cơ cao bị tổn thương da, khiến vết thương chậm liền lại.
Sử dụng phương pháp điều trị bằng hóa trị và xạ trị trong điều trị bệnh ung thư cũng thể làm thay đổi chức năng miễn dịch, khiến cho thời gian lành thương kéo dài lâu hơn, kèm theo đó là nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Tuổi tác
Khi tuổi tác của chúng ta tăng lên, chức năng của làn da sẽ ngày một bị suy yếu đi, kéo theo đó là sự giảm dần khả năng tự chữa lành vết thương và tái tạo da mới sau tổn thương, dẫn đến quá trình lành vết thương bị trì hoãn và vết thương không lành.
Khả năng sản xuất collagen và các protein khác nhau để đảm bảo tính đàn hồi cho da tại lớp hạ bì suy giảm dần.
Da trở nên mỏng hơn, dẫn đến nguy cơ dễ bị rách và phồng rộp. Đồng thời cũng sẽ khô hơn do số lượng tuyến mồ hôi và dầu giảm dần đi.
Quá trình lão hóa cũng là nguyên nhân làm cho hệ miễn dịch của chúng ta ngày một suy yếu dần ( giảm nguyên bào sợi, giảm đại thực bào). Do đó, hiệu quả của phản ứng viêm mà cơ thể khởi phát để chữa lành vết thương cũng sẽ giảm dần làm cho vết thương không thể nhanh chóng liền lại được.
Đồng thời, ở những bệnh nhân lớn tuổi, các biểu hiện của sự nhiễm trùng vết thương thường diễn ra một cách âm thầm khó quan sát được. Khả năng cảm nhận và phản ứng với cơn đau ở người lớn tuổi không còn được nhạy bén, nhiều tổn thương nhỏ trên da có thể xảy ra mà họ không hề cảm nhận được. Chính vì thế mà các vết thương nhỏ không được điều trị kịp thời và mau chóng tiến triển nghiêm trọng hơn, khó lành hơn.
Tình trạng dinh dưỡng
Dinh dưỡng luôn luôn là vấn đề nền tảng để giải quyết các vấn đề trong chữa lành vết thương và rút ngắn thời gian lành thương. Dinh dưỡng tốt cung cấp các thành phần thô để giúp vết thương mau lành và bảo tồn tính toàn vẹn của da.
Hỗ trợ dinh dưỡng kịp thời và đầy đủ không chỉ giúp chăm sóc vết thương mà còn cải thiện tình trạng dinh dưỡng tổng thể và có thể giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Vết thương càng nghiêm trọng sẽ càng cần tiêu tốn nhiều năng lượng để giải quyết các vấn đề về trong các giai đoạn lành thương, hoặc các vấn đề nhiễm khuẩn phát sinh nếu có.
Bên cạnh đó, các chất dinh dưỡng cũng sẽ bị hao thất theo sự thất thoát của dịch tiết qua các vết thương hở. Do đó, các chất dinh dưỡng cần được liên tục cung cấp để đảm bảo cho quá trình chữa lành vết thương cũng như duy trì các hoạt động chuyển hóa khác của cơ thể.
Protein ( chất đạm), carbohydrate (chất đường bột) và Lipid (chất béo) đều cung cấp calo cho cơ thể (tức là năng lượng). Các chất dinh dưỡng đa lượng này có thể giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể và cung cấp sự kết hợp của các nguồn năng lượng cần thiết để duy trì cân nặng, duy trì khối lượng cơ thể gầy và tối đa hóa việc chữa lành vết thương.
Carbohydrate
Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể, cho phép tái biểu mô và phục hồi, ngăn ngừa giảm cân ngoài ý muốn. Nó cần thiết cho quá trình đồng hóa, tổng hợp nitơ, hình thành collagen. Nếu không có sẵn carbohydrate với số lượng đủ cao, cơ thể sẽ đốt cháy các axit amin từ protein để tạo năng lượng.
Các tế bào miễn dịch, dây thần kinh, tế bào sừng và nguyên bào sợi đặc biệt phụ thuộc vào glucose như một nguồn năng lượng. Carbohydrate cũng là chất nền để sản xuất glycoprotein là thành phần cơ bản của màng tế bào.
Protein
Protein là một chất dinh dưỡng đa lượng với nhiều vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương.
Nó rất quan trọng trong việc tổng hợp các enzym và tạo ra collagen, mô liên kết, mao mạch và tế bào biểu mô.
Acid amin hỗ trợ xây dựng kháng thể, đại thực bào và một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Việc thiếu protein có thể kéo dài giai đoạn viêm của quá trình lành vết thương, làm suy giảm sự tổng hợp collagen đầy đủ dẫn đến giảm độ bền kéo của vết thương kín và làm tăng nguy cơ vết thương trở thành mãn tính.
Nguồn cung cấp các loại protein: thịt, cá, trứng, sữa, pho mát, sữa chua, các loại hạt, quả hạch,…
Khi nạp protein cần đảm bảo cung cấp đủ Arginine và Glutamine vì đây là hai loại amino acid đóng góp nhiều vai trò quan trọng cho sự lành thương.
Thông thường, Arginine và Glutamine được cơ thể của chúng ta sản xuất một cách tự nhiên. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân bị thương do chấn thương, phẫu thuật, bỏng,…nhu cầu hấp thu và sử dụng đối với hai acid amin này sẽ tăng cao hơn mức bình thường, và chúng ta cần bổ sung thêm chúng cho cơ thể qua đường ăn uống.
Arginine đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi vết thương, kích thích bài tiết insulin, thúc đẩy quá trình vận chuyển acid amin vào tế bào mô và hỗ trợ quá trình tổng hợp protein và collagen trong tế bào.
Bên cạnh đó, Arginine là tiền thân của Nitric Oxide, một chất dẫn truyền thần kinh mạnh mẽ giúp mạch máu thư giãn và giãn ra, cải thiện lưu lượng máu đến vết thương.
Glutamine là nguồn nguyên liệu chính tổng hợp nên các tế bào miễn dịch như đại thực bào, bạch cầu; nguyên bào sợi; tế bào niêm mạc. Acid amin này tối ưu hóa môi trường chữa lành vết thương nhờ vai trò của nó trong phản ứng viêm, đặc biệt là trong việc loại bỏ các tác nhân gây nhiễm.
Lipid
Lipid là dung môi hòa tan các vitamin tan trong dầu mỡ (Vitamin A, D, E, K) giúp cơ thể hấp thu và sử dụng tốt các vitamin này; ngoài ra nó còn là thành phần cần thiết thiết cho việc vận chuyển các chất qua màng tế bào.
Sự thiếu hụt các axit béo thiết yếu có liên quan đến việc chữa lành vết thương kém. Mức tiêu thụ chất béo tối ưu để chữa lành vết thương vẫn chưa được xác định nhưng 20% trở lên là phổ biến ở các bệnh viện.
Các thực phẩm giàu Lipid gồm: Mỡ động vật các loại, dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu nành, dầu cọ, bơ…
Vitamin
Trong quá trình chữa lành vết thương, bên cạnh việc cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng đa lượng như đã kể trên, thì việc cung cấp thêm các loại vitamin cũng là điều vô cùng quan trọng.
Chúng không chỉ chữa lành vết thương nhanh chóng mà còn giúp cho vết thương không bị nhiễm trùng.
Vitamin A
Vitamin A giúp Kiểm soát phản ứng viêm.
Nó cần thiết cho sự phát triển của biểu mô và mô xương, sự biệt hóa tế bào và chức năng của hệ thống miễn dịch.
Các nguồn cung cấp vitamin A: gan bò, sữa, trứng, bí đỏ, cải xoăn, cà rốt, khoai lang,…
Vitamin B
Vitamin B giúp chuyển hóa Protein và Carbohydrate để tạo ra năng lượng rất quan trọng, đặc biệt là cho sự phát triển cũng như chuyển động của các tế bào.
Các nguồn cung cấp vitamin B: trứng, sữa, cá,…
Vitamin C
Vitamin C kích thích tổng hợp collagen, tăng cường hoạt động của các tế bào hệ thống miễn dịch, tăng cường các thành mao mạch và ngăn ngừa dễ bị bầm tím và chảy máu.
Sự hiện diện của Vitamin C trong huyết tương sẽ giúp hỗ trợ làm giảm các biểu hiện của sự viêm. Mặc dù tình trạng viêm là cần thiết trong giai đoạn đầu của quá trình chữa lành vết thương, nhưng về sau pản ứng viêm cần phải được giảm bớt để nhường chỗ cho sự tái tạo mô và mạch máu.
Vitamin kích thích tái tạo mô da bằng cách hỗ trợ các tế bào da không hoạt động phân chia và biệt hóa, góp phần làm mới các mô da bị tổn thương.
Ngay cả sau khi vết thương đã lành, chúng vẫn có những hoạt động trao đổi chất giúp ngăn không cho vết thương đã lành có thể bị rách, vỡ trở lại và ngăn cản sự hình thành những vết sẹo.
Các nguồn cung cấp vitamin C: trái cây có múi, rau lá sẫm, kiwi, ớt , đu đủ.
Vitamin E:
Vitamin E được ưa chuộng để chăm sóc da và ngăn ngừa hình thành sẹo.
Nó hoạt động như một chất chống oxy hóa lipid chính, ngăn chặn quá trình peroxy hóa lipid và dẫn đến màng tế bào ổn định hơn.
Các nguồn cung cấp vitamin E: hạnh nhân, đậu phộng, dầu thực vật,…
Khoáng chất
Kẽm
Kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành Collagen và nhiều khía cạnh trong quá trình chuyển hóa của tế bào.
Ngoài ra, kẽm còn hỗ trợ tổng hợp protein và các chức năng cho hệ miễn dịch của cơ thể, chống lại các vấn đề về viêm nhiễm trong quá trình chữa lành vết thương.
Nó cần cho sự phát triển và tăng sinh tế bào, giải phóng vitamin A từ gan, tương tác với các tiểu cầu trong quá trình đông máu.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng nếu bổ sung kẽm quá mức, nó có thể gấy ra sự ức chế quá trình chữa bệnh và gây ra tình trạng thiếu đồng.
Các nguồn cung cấp kẽm: hải sản, các loại thịt đỏ, ngũ cốc, đậu hà lan, bông cải xanh, hạt vừng,…
Đồng
Đồng giúp bảo tồn sức mạnh của da, giúp tạo mạch máu, hỗ trợ tạo liên kết chéo của các sợi collagen để xây dựng lại mô liên kết. Đồng thời, chúng đóng một vai trò trong các phản ứng enzym trong cơ thể.
Các nguồn cung cấp Đồng: Gan, cá, thịt bò, quả hạch, nghệ, măng tây, đậu hũ, nấm, bông cải xanh,…
Sắt
Sắt hỗ trợ hình thành tế bào hồng cầu, hỗ trợ vận chuyển oxy, trong quá trình tổng hợp collagen, sắt cần thiết cho việc chuyển hóa của các chất proline và lysine.
Các nguồn cung cấp Sắt: hàu, thịt bò, cá, thịt gà, rau có màu xanh đậm, các loại đậu, các loại hạt,…
Nước
Mô dưới da chịu ảnh hưởng lớn của sự co mạch và có thể được hydrat hóa kém trong khi não, gan, tim và thận được tưới máu tốt.
Các nghiên cứu cho thấy mất nước có liên quan đến nồng độ O2 trong mô thấp và tăng dị hóa.
Nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho vết thương cũng sẽ bị suy giảm do mất nước.
Nước và các đồ uống không chứa đường khác cho cơ thể như trà, cà phê, nước quả nguyên chất 100% và sữa cũng có chứa protein.
Thuốc
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc chữa lành vết thương.
Việc sử dụng một số loại thuốc như corticosteroid, tác nhân hóa trị liệu, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu và thuốc làm giảm hoạt động của tế bào hủy xương đã được cho thấy có ảnh hưởng đến quá trình liền thương.
Liều cao của steroid có thể ngăn chặn cả hệ thống miễn dịch và chứng viêm. Steroid có thể làm giảm sự tổng hợp collagen và ảnh hưởng đến sức mạnh của nó.
Các loại thuốc hóa trị được thiết kế để phá hủy các tế bào và luôn gây tổn hại cho quá trình chữa bệnh.
NSAID (Non-steroidal antiinflamatory drug) là nhóm các thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid, bao gồm nhiều hoạt chất khác nhau.
Loại thuốc này không có cấu trúc steroid vì vậy người ta gọi nó là thuốc chống viêm không steroid.
Các thuốc NSAID ức chế enzyme cyclo-oxygenase (COX) từ đó ngăn cản hình thành các prostaglandin gây viêm trong cơ thể.
Các thuốc NSAID làm giảm đông vón tiểu cầu, giảm khả năng đông máu do đó nó có thể làm kéo dài thời gian chảy máu,gây xuất huyết dưới da.
Chúng có thể làm giảm quá trình chữa lành vết thương bằng cách ức chế giai đoạn viêm.
Hành vi cá nhân
Đôi khi, việc vết thương bị biến chứng làm kéo dài thời gian lành thương là trách nhiệm thuộc về hành vi của người bị thương. Điều này là do lựa chọn cá nhân ảnh hưởng xấu đến quá trình lành vết thương.
Lạm dụng rượu thường dẫn đến suy dinh dưỡng, có thể cản trở quá trình chữa lành vết thương. Ngoài ra, sử dụng quá nhiều rượu có thể dẫn đến thương tích mà không thể nhận biết được.
Hút thuốc hạn chế các mạch máu, làm cho các tiểu cầu kết dính với nhau (kết tụ) và dẫn đến sự hình thành và sức mạnh của cục máu đông. Ngoài ra, khí carbon monoxide hít phải trong khi hút thuốc liên kết với hemoglobin, làm giảm lượng oxy cung cấp cho các mô rất cần oxy để chữa lành.
Việc thường xuyên dùng tay tiếp xúc với vết thương hoặc vệ sinh vết thương sai cách cũng là một trong những nguyên nhân kéo dài thêm thời gian vết thương lành.
Thủy Tiên
Tài liệu tham khảo:
https://www.hmpgloballearningnetwork.com/site/twc/articles/determining-if-nutrition-missing-ingredient-your-wound-healing
https://www.woundscanada.ca/docman/public/wound-care-canada-magazine/wcc-2019-v17-no1/1407-wcc-spring-2019-v17n1-final-p-34-37-protein-pdf/file
https://woundeducators.com/systemic-factors-affecting-wound-healing/https://slidetodoc.com/glutamine-objectives-discuss-glutamine-discuss-its-role-in-2/
https://www.semanticscholar.org/paper/Nutrition-and-wound-healing.-Green Mclaren/8ea9f14f93d48b2a7f8ed3c7b4eaeca637535f1b
https://www.hindawi.com/journals/mi/2018/2503950/